Âm nhạc Dáng hình thanh âm (phim)

Bài chi tiết: A Shape of Light

Ý tưởng sáng tác

Đối với phần âm nhạc của phim, đạo diễn Yamada Naoko trực tiếp đề cử nhạc sĩ điện tử Ushio Kensuke—còn được biết đến qua nghệ danh agraph—đảm nhận. Ushio muốn tôn vinh không chỉ những âm thanh có thể "nghe", mà còn "muốn xem âm thanh như một dạng vật chất hấp dẫn nhu cầu sinh lý của con người." Nhằm đạt được lý tưởng này, Ushio lựa chọn nhạc điện tử thay vì các loại nhạc cụ thông thường để qua đó kiểm soát tốt các dải tần số siêu thanh như thể đang quan sát chúng bằng kính hiển vi.[41] Thông thường khi chế tác các bản nhạc gốc, đạo diễn âm thanh và ê kíp phụ trách sẽ tạo một bảng danh mục hoạt cảnh sắp xếp từng phân đoạn cần lồng nhạc, sau đó mới giao cho nhạc sĩ sáng tác nhạc lần lượt từng phân đoạn trong bảng danh mục đó. Tuy nhiên khâu sản xuất âm thanh ở dự án phim này không được tiến hành theo cách thức như vậy, bởi ngay từ giai đoạn tiền kỳ khi kịch bản phân cảnh hoàn thành thì nhạc sĩ Ushio đã tham gia với tư cách một thành viên của đội ngũ sản xuất, cùng trao đổi các ý tưởng dựa trên sự thấu hiểu sâu sắc về chủ đề cốt lõi của bộ phim cùng đạo diễn Yamada.[42]

Một bức tranh thể hiện phương pháp hứng sáng của Vilhelm Hammershøi.

Trong quá trình sáng tác, Ushio đã chuyển đổi rất nhiều yếu tố mang tính nghệ thuật thành âm thanh, chẳng hạn như cách đổ bóng trong tranh tĩnh vật của Giorgio Morandi hay phương pháp hứng sáng trong tranh của Vilhelm Hammershøi, được chính Ushio ví von như sau: "Tôi đã thay thế các hiện tượng vật lý mà mắt thường quan sát được như vùng bóng nhòa hay hiệu ứng làm mờ ống kính bằng một loại hiện tượng vật lý khác có tên âm thanh."[43] Một số phép tham chiếu khác được đề cập trong các cuộc trao đổi giữa Ushio và Yamada có thể kể đến họa sĩ đương đại Gerhard Richter, nhiếp ảnh gia Andreas Gursky và Beate Müller, họa sĩ khái niệm Joseph Kosuth, và bài cú số 33 của thi sĩ Ki no Tomonori trong hợp tuyển thơ Hyakunin Isshu.[44] Ushio đã trao đổi với đạo diễn ngay ở lần gặp mặt đầu tiên về các danh từ cụ thể trong những lĩnh vực bao gồm âm nhạc, điện ảnh, hội họa, điêu khắc, buyō, nhiếp ảnh, kiến trúc.[45]

Nghiên cứu trên máy trợ thính

Máy trợ thính đóng một vai trò quan trọng trong phim, là thiết bị có chức năng khuếch đại âm thanh đưa vào tai, do đó về mặt lý thuyết sẽ tạo ra tạp âm. Ushio đã cân nhắc về số lượng tạp âm có thể thu được, sự khác biệt giữa tạp âm và giai điệu âm nhạc được xử lý qua màng nhĩ, và do đâu mà tạp âm lại biến thành những âm thanh có ý nghĩa. Những suy ngẫm trên cuối cùng đưa Ushio đến kết luận nằm ở loại đàn piano đứng. Mô tả piano đứng là loại nhạc cụ có thể kiểm soát tạp âm hiệu quả nhất, Ushio nhận xét "nó có thể phát ra rất đa dạng âm thanh, như âm ngón tay nhấn vào phím đàn, tiếng búa gỗ gõ vào dây đàn khi nhấn phím, âm thanh cọ xát khi nhấn bàn đạp, và ảo âm nghe như tiếng rít mỗi khi dây đàn rung."[43] Để ghi lại tất cả những khái niệm tạp âm đó, Ushio tháo một cây đàn piano và đặt microphone vào trong; bằng cách này, anh hy vọng có thể "tóm lấy và thu lại toàn bộ âm thanh bao gồm cả những tạp âm như vậy, chứ không phải giai điệu âm nhạc." Ý tưởng này vô tình phản ánh bản ngã của nhân vật nam chính Shōya, người đã tự cô lập mình khỏi thế giới ấm áp và tươi đẹp xung quanh. Do đó, hiệu ứng âm thanh vòm với những tạp âm piano như vậy là cần thiết hòng lấp đầy khán phòng, qua đó mang lại sự hình dung về thế giới xung quanh anh ta.[43]

Sản xuất thực tế

Ushio đã hoàn thiện và gửi cho Yamada những bản nhạc nháp mà anh gọi là "bản phác thảo âm thanh" như một cách so sánh với các bản thảo kịch bản phân cảnh. Nói cách khác, khâu sản xuất thực tế đã được tiến hành theo kiểu trò chơi ném bắt bóng, đạo diễn chỉ việc nhận thành phẩm.[46] Các bản thảo này được in ra giấy chứ không phải dạng dữ liệu, và được chỉnh sửa trực tiếp trên một chiếc giá nhạc.[46] Khi kịch bản phân cảnh được hoàn tất, đã có 40 bản nhạc ra đời theo cách này. Yamada và Ushio đã cùng chứng kiến quá trình thu âm để lồng nhạc vào từng phân đoạn, và công đoạn cải biên các nhạc phẩm và hiệu chỉnh hậu kỳ đã diễn ra song song với việc sáng tác các nhạc phẩm mới.[47] Có đến 82 nhạc phẩm hoàn thiện, nhưng cuối cùng chỉ 50 bài được đưa vào phim.[45] Nhìn lại tổng thể quá trình sản xuất bộ phim, Ushio chia sẻ: "Tôi như đã biến thành cái bóng bám theo sau câu chuyện của Shōya. Tôi đã hòa tan vào bộ phim mà không suy nghĩ gì nhiều, giờ nhìn lại mới thấy quả là một cảm giác siêu thực khi tôi chưa từng có mặt trong chính nó."[46]

Bộ phim cũng được xây dựng để giao thoa với sáng tác Inventions của Johann Sebastian Bach, qua cách nó phơi bày "những bài tập tìm đường sống trong hai giờ" của Shōya. Inventions gồm ba phân đoạn khác nhau, và đội ngũ sản xuất cũng xây dựng bộ phim theo ba phần tương ứng; Ushio tin rằng điều đó đã "biểu tượng hóa con đường đưa Shōya dần dần bước ra thế giới bên ngoài."[45] Ca khúc nhạc nền trong phân cảnh diễn ra tại quán cà phê mèo nơi nhân vật Ueno làm việc bán thời gian có tên "(i can)say nothing" do chính Ushio thể hiện bằng tiếng Anh, trong đó có câu "đứng trước mặt anh, em không cách nào cất nên lời;" bài hát này xuất hiện lại ở gần cuối phim sau khi Shōya xuất viện và có một cuộc trao đổi ngắn với Ueno trong công viên. Theo Ushio, nó được tạo ra để tượng trưng cho tình cảm mà Ueno dành cho Shōya.[48] Tương tự, bài "laser" xuất hiện lần đầu trong phân cảnh Nagatsuka ngồi cùng Shōya trong tiệm thức ăn nhanh, tiếp tục được lồng vào cuối phim khi Shōya quay lại trường lớp vào ngày Lễ hội Văn hóa. Giải thích cho điều này, Ushio nói: "đối với Nagatsuka, 'laser' mang chủ đề 'tình bạn chí cốt' mà cậu dành cho Shōya. Do vậy khi Nagatsuka đã biết tin Shōya sẽ đến Lễ hội Văn hóa và ngồi đợi trong lớp, bài này được phát lặp đi lặp lại. Rồi khi Shōya mở cửa lớp và Nagatsuka chạy đuổi theo, âm lượng của 'laser' giảm xuống rồi lại vụt tăng lên một lần nữa. Đó là vì [nó biểu đạt] cảm xúc của Nagatsuka."[48] Về cảnh cao trào ở đoạn kết Lễ hội Văn hóa, phải mất nhiều thời gian để Yamada và Ushio đúc kết lại các ý tưởng thể hiện, nhưng Ushio "đã nảy ra nó" khi đi thực địa trên bãi sỏi ven con sông nằm gần xưởng phim của Kyoto Animation.[48]

Album soundtrack nguyên bản chứa 61 nhạc phẩm bao gồm những bản chưa từng được sử dụng được phát hành vào ngày 14 tháng 9 cùng năm công chiếu.[49]

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Dáng hình thanh âm (phim) http://wowjapan.asia/2017/03/silent-voice-coming-s... http://asilentvoice.com.au/ http://www.heraldsun.com.au/entertainment/movies/l... http://www.theaustralian.com.au/arts/review/film-r... http://www.animenewsnetwork.cc/news/2017-08-08/jap... http://www.cbooo.cn/m/656273 http://www.actuabd.com/+Un-appel-aux-fans-pour-sor... http://www.ajunews.com/view/20170512000557319 http://www.akibafes.com/movie2017 http://www.allkpop.com/buzz/2017/06/entire-class-o...